Shop

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong Thương mại điện tử ở VN

Bài viết đăng Tạp chí trong nước

Category:

Mô tả

Link Bài viết  

Tóm tắt: Xu thế thương mại điện tử đang ngày càng phát triển dẫn đến tình trạng giao dịch thương mại gián tiếp ngày càng thịnh hành. Với sự không giới hạn về không gian và thời gian, cùng với sự yếu thế của người tiêu dùng về kỹ thuật, chuyên môn, thông tin tiếp cận được, … trong các giao dịch thương mại điện tử, nhu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được quan tâm chú trọng hơn và cũng phức tạp hơn so với trong các giao dịch thương mại truyền thống. Hiện nay, quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử, các Luật liên quan và nghị định hướng dẫn.

Từ khóa:  người tiêu dùng, thương mại điện tử, quyền lợi người tiêu dùng

  1. Thương mại điện tử và sự cần thiết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Theo Luật mẫu về thương mại điện tử của Uỷ ban Liên Hợp Quốc về thương mại quốc tế (UNCITRAL), thương mại điện tử được định nghĩa là “việc trao đổi thông tin thương mại thông qua các phương tiện điện tử, không cần phải in ra giấy bất cứ công đoạn nào của toàn bộ quá trình giao dịch” [1]

Ở Việt Nam, khái niệm thương mại điện tử đã được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật, theo đó thương mại điện tử là “việc tiến hành một phần hay toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông hoặc các mạng mở khác”.[2]

Như vậy, so với hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử có một số đặc trưng nổi bật như sau:

Thứ nhất, các bên trong giao dịch thương mại điện tử không cần tiếp xúc trực tiếp với nhau và không phải có quan hệ quen biết từ trước. Việc đàm phán, thỏa thuận, xác lập các giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin điện tử thay vì gặp gỡ trực tiếp như trong các giao dịch thương mại truyền thống.

Thứ hai, bên cạnh các bên tham gia giao dịch như trong giao dịch thương mại truyền thống, trong giao dịch thương mại điện tử xuất hiện thêm một bên thứ ba là các nhà cung cấp dịch vụ qua mạng, các cơ quan chứng thực và quản lý… Bên thứ ba này là chủ thể tạo cơ sở, kỹ thuật hạ tầng, môi trường để các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện.

Thứ ba, hoạt động thương mại điện tử có tính rủi ro cao do lệ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật. Cụ thể là, thông tin được cung cấp trong quá trình giao dịch có thể bị đánh cắp hoặc bị tiết lộ phục vụ mục đích khác, an toàn hệ thống có thể bị ảnh hưởng do các nguyên nhân khách quan như trục trặc kỹ thuật, hệ thống hoạt động không ổn định v.v…

Với đặc trưng như trên, việc tham gia vào giao dịch thương mại điển tử sẽ khiến người tiêu dùng không biết rõ thông tin về đối tượng giao dịch, đơn vị cung ứng, cũng như những rủi ro có thể gặp phải từ trục trặc kỹ thuật của hệ thống, …. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giao dịch xuyên biên giới như hiện nay, tình trạng sản phẩm bất hợp pháp (bị cấm hoặc bị thu hồi khỏi thị trường) được lưu thông trong các giao dịch trực tuyến là thực trạng không thể tránh khỏi. Những rủi ro và thách thức này phần nào đã tác động không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng khi quyết định tham gia giao dịch trực tuyến.

Tương tự các giao dịch thương mại truyền thống, người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử luôn ở vị trí “yếu thế” hơn các thương nhân (hạn chế về thông tin, trình độ, kỹ năng, …). Trong thương mại điện tử, điều này càng thêm rõ khi người tiêu dùng phải đối mặt với các vấn đề sau:

Ở giai đoạn tiền hợp đồng, người tiêu dùng có thể bị sai lệch, lừa dối về danh tính của đối tượng cung cấp sản phẩm, dịch vụ và thông tin về sản phẩm, dịch vụ được cung cấp (chất lượng, xuất xứ, giá cả, …).

Ở giai đoạn ký kết hợp đồng, người tiêu dùng phải đối diện với tình trạng mơ hồ, vội vàng khi đối diện với những điều khoản có sẵn được công bố trên các phương tiện điện tử, đồng thời có thể thao tác sai do thiếu kỹ năng về công nghệ.

Ở giai đoạn thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng có thể được nhận sản phẩm không như thông tin được biết, hoặc hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, phân phối. Khi khiếu nại thì tổ chức, cá nhân kinh doanh né tránh, không xử lý triệt để.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, giao dịch qua phương tiện điện tử đã và đang phát triển nhanh chóng, trở thành một phương thức kinh doanh thuận tiện, tiết kiệm. Tuy nhiên, thực trạng tình trạng xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ. [3]

Do đó, việc xây dựng một cơ chế pháp lý đầy đủ và hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay là nhu cầu cần thiết.

  1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Năm 2000, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã ban hành Hướng dẫn về Bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh thương mại điện tử với những nguyên tắc cơ bản sau:

– Bảo vệ minh bạch và hiệu quả;

– Phù hợp với thông lệ thị trường, quảng cáo và kinh doanh trung thực;

– Cung cấp các thông tin rõ ràng về doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ, chi tiết giao dịch, quy trình xác nhận;

– Cơ chế thanh toán an toàn, dễ sử dụng và phải thông tin cho khách hàng về mức độ an toàn của cơ chế đó;

– Có các quy định về giải quyết tranh chấp và bồi thường và được bảo vệ bí mật cá nhân.

Tương thích với Hướng dẫn này, Việt Nam đã ban hành những quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và điều chỉnh các giao dịch thương mại điện tử. Cụ thể trong các văn bản như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và các văn bản hướng dẫn; Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật Công nghệ thông tin 2006 và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử tập trung vào các vấn đề sau:

  1. Ghi nhận quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử
  2. Quyền được cung cấp thông tin

Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định người tiêu dùng (viết tắt là “NTD”) “được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng”:

Như vậy, NTD được cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về: (1) tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; (2) đối tượng của giao dịch hàng hóa, dịch vụ (trong đó có thông tin như nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các thông tin khác về đối tượng này) và (3) nội dung (các quyền và nghĩa vụ của mình và của các bên có liên quan) giao dịch hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, quy định nêu trên mang tính chất chung chung, không cụ thể về những thông tin mà NTD có quyền được biết là những thông tin thuộc loại nào.  Trong khi đó, quyền được thông tin của NTD chỉ được bảo đảm khi chính các tổ chức, cá nhân kinh doanh, và các tổ chức có liên quan khác (các doanh nghiệp truyền thông, quảng cáo và các cơ quan quản lý nhà nước, các hội bảo vệ NTD) thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp thông tin cho NTD khi tham gia giao dịch với họ.

Ngoài quy định chung, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về quyền được thông tin của NTD trong thương mại điện tử. Do đó, NTD trong thương mại điện tử cần phải được bảo vệ ít nhất ở mức ngang bằng như khi giao dịch bằng phương thức truyền thống. Nói cách khác, NTD giao dịch bằng phương tiện điện tử cũng có đầy đủ quyền được cung cấp thông tin theo như quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

  1. Quyền được bảo vệ thông tin

Khoản 15 Điều 3 Luật An toàn thông tin mạng 2015 quy định: “Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể”.

Khoản 1 Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010 quy định các quyền của NTD, trong đó có quyền được bảo vệ thông tin như sau: “ NTD được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.

Khoản 1 Điều 22 Luật Công nghệ thông tin 2006, được hợp nhất bởi văn bản hợp nhất số 10/VBHN-VPQH ngày 12/12/2017 do Văn phòng Quốc hội ban hành quy định: “Cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân lưu trữ thông tin cá nhân của mình trên môi trường mạng thực hiện việc kiểm tra, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin đó”. Quy định này tương tự như quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. [4]

Như vậy, khi thực hiện việc cung cấp thông tin cho thương nhân trên mạng internet, NTD có thể yêu cầu thương nhân phải đính chính lại những thông tin sai lệch hoặc hủy bỏ những thông tin đó khi thấy việc lưu trữ thông tin là không cần thiết hoặc có nguy cơ để lộ thông tin ra bên ngoài.

Bên cạnh đó, NTD còn có quyền được bảo đảm bí mật các thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng theo quy định tại Điều 6 Luật Viễn thông 2009. Có thể thấy, tình trạng NTD có thể bị mất cắp thông tin cá nhân khi sử dụng những phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại di động,…, những phương tiện công nghệ cao đã được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật.

Mặc dù đã có nhiều quy định trong nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh về vấn đề bảo vệ thông tin của NTD, nhưng các quy định này vẫn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể được NTD có quyền gì và sẽ thực hiện quyền đó như thế nào đối với việc bảo vệ thông tin của bản thân.

  1. Quyền sửa đổi và hủy bỏ hợp đồng do lỗi kỹ thuật

Với phương thức xác lập giao dịch thông qua phương tiện điện tử, có những trường hợp NTD nhập sai thông tin về hàng hóa mà mình muốn mua bởi thiếu kiến thức, trình độ về công nghệ hoặc do bất cẩn. Đồng thời, việc không trực tiếp trao đổi, đàm phán với người bán cũng dẫn tới rủi ro về sản phẩm giao dịch. Trong những trường hợp này, mục đích giao dịch của NTD không được đảm bảo, đòi hỏi phải có một cơ chế khắc phục những lỗi kỹ thuật, bảo vệ cho lợi ích hợp pháp của NTD.

Điều 32 Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định:

“Trường hợp người mua nhập sai thông tin gửi vào trang thông tin điện tử bán hàng mà hệ thống nhập tin không cung cấp khả năng sửa đổi thông tin, người mua có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu đã thực hiện các biện pháp sau đây:

  1. Thông báo kịp thời cho người bán biết về thông tin nhập sai của mình và người bán cũng đã xác nhận việc nhận được thông báo đó;
  2. Trả lại hàng hoá đã nhận nhưng chưa sử dụng hoặc hưởng bất kỳ lợi ích nào từ hàng hóa đó.”

 Như vậy, NTD có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi nhập sai thông tin gửi vào trang thông tin điện tử bán hàng mà trang này không cung cấp khả năng sửa đổi thông tin nếu thông báo kịp thời cho người bán biết về thông tin nhập sai của mình và người bán đã xác nhận việc nhận được thông báo đó đồng thời NTD phải trả lại hàng hóa đã nhận nhưng chưa sử dụng.

Quy định tại Điều 32 Luật Công nghệ thông tin 2006 trao cho NTD quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải đáp ứng một số điều kiện quy định, trong đó có điều kiện phải được người bán xác nhận việc đã nhận thông báo từ người mua.

Trường hợp người bán không xác nhận, Điều 14 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 quy định NTD có quyền rút bỏ phần chứng từ điện tử [5] có lỗi nếu đáp ứng hai điều kiện: Một là, ngay khi biết có lỗi, NTD phải thông báo cho bên kia về lỗi và nêu rõ đã mắc phải lỗi trong chứng từ điện tử này; Hai là, NTD vẫn chưa sử dụng hoặc có được bất kỳ lợi ích vật chất hay giá trị nào từ hàng hóa, dịch vụ nhận được từ bên kia

Nhìn chung, quy định trong Luật Công nghệ thông tin 2006 hay Nghị định 52/2013/NĐ-CP đều hướng tới việc đưa ra hệ quả của việc nhập sai thông tin là huỷ bỏ hợp đồng, chưa đưa ra giải pháp phòng tránh cũng như phương án xử lý tiếp theo cho NTD nếu hợp đồng bị huỷ bỏ. Cụ thể như, NTD trả lại hàng hoá, dịch vụ và được thương nhân hoàn tiền theo phương thức nào khi họ mua sản phẩm qua sàn giao dịch TMĐT, hay chủ thể nào đảm bảo quyền lợi cho NTD trong trường hợp này.

  1. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng

Trong giao dịch điện tử, NTD không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng về những thông tin mà tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp. Chính vì vậy, trên thực tế nhiều trường hợp NTD nhận được sản phẩm khác xa so với những thông tin quảng cáo từ phía tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của NTD trong trường hợp này, Điều 17 Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVQLNTD quy định: “Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin quy định tại khoản 1 Điều này thì trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng NTD có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. NTD không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó và chỉ phải trả chi phí đối với phần hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng”.

Như vậy, trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không cung cấp hoặc cung cấp không đúng các thông tin được quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 99/2011/NĐ-CP (chất lượng, tính năng, công dụng, giá cả của sản phẩm …), NTD được quyền chấm dứt hợp đồng mà không chịu bất kỳ hậu quả pháp lý nào. Thời hạn được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng là 10 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng. Việc ấn định thời hạn 10 ngày như nêu trên sẽ gây khó khăn cho NTD trong trường hợp khoảng thời gian từ ngày hợp đồng được giao kết tới ngày NTD nhận được hàng vượt quá 10 ngày. Cụ thể:

Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết. Do đó, nếu NTD đặt mua hàng trực tuyến trên website điện tử thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm NTD nhận được trả lời của thương nhân chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng [6]. Giả sử NTD được nhận hàng sau 15 ngày kể từ thời điểm giao kết hợp đồng và lúc đó mới phát hiện ra hàng hóa không đúng như thông tin của thương nhân cung cấp thì cũng không thể vận dụng được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nữa.

Bên cạnh đó, để thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định trên, phải chứng minh những thông tin mà thương nhân cung cấp là không đúng hoặc không đủ như yêu cầu tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 99/2011/NĐ-CP (các thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh; phương thức giao hàng; chất lượng hàng hóa, dịch vụ; …). Trong khi đó, những thông tin này được cung cấp thông qua website, ở nhiều mục khác nhau và có thể thường xuyên thay đổi. Do vậy, NTD cần lưu ý đảm bảo lưu trữ lại những thông tin này khi giao kết hợp đồng để có thể làm bằng chứng chứng minh cho yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng của mình là hợp pháp thì mới có thể thực hiện được quyền này trên thực tế.

  1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử

NTD luôn ở vị thế yếu nếu so với các tổ chức, cá nhân kinh doanh về thông tin, tiềm lực tài chính, …. Do đó, quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử là nội dung quan trọng và đặc thù trong pháp luật bảo vệ NTD trên thế giới và tại Việt Nam. Ở Việt Nam, mục II Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được thể hiện thông qua các khía cạnh sau:

Một là, trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho NTD. Trách nhiệm này được thể hiện  thông qua việc ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá công khai, đưa ra các cảnh báo và các thông tin cần thiết khác cho người tiêu dùng cũng như quy định này áp dụng đối với việc cung cấp thông tin thông qua bên thứ ba cũng như thông tin được cung cấp thông qua phương tiện truyền thông [7].

Hai là, trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung. Theo đó, trước khi áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được áp dụng với người tiêu dùng sau khi đã hoàn thành đăng ký với Sở Công Thương hoặc Bộ Công Thương [8].

Ngoài ra, pháp luật của Việt Nam cũng có quy định cụ thể đối với hợp đồng giao kết từ xa, theo đó khi giao kết hợp đồng từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh; chất lượng của hàng hóa, dịch vụ; chi phí giao hàng; phương thức thanh toán, phương thức giao hàng; thời gian có hiệu lực của đề nghị giao kết và mức giá đề nghị giao kết hợp đồng; chi tiết về tính năng, công dụng, cách sử dụng của hàng hóa… Nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật thì người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng.[9]

  1. Hệ thống cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD trong thương mại điện tử đòi hỏi sự kết hợp, tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau do các giao dịch đa dạng, trải dài trên nhiều lĩnh vực và khoảng cách địa lý.

Căn cứ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giao cho Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cũng yêu cầu sự tham gia, phối hợp của các cơ quan nhà nước khác, trong đó có vai trò của các cơ quan điều tiết ngành. Việc bảo vệ quyền lợi NTD là một vấn đề rất rộng, đòi hỏi sự quản lý của nhiều cơ quan ở các lĩnh vực khác nhau không chỉ riêng trong thương mại mà trong tất cả các giao dịch giữa NTD với thương nhân. Do đó, các cơ quan nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, Bộ Công Thương, là cơ quan chịu trách nhiệm về bảo vệ NTD và thương mại điện tử.

  1. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thương mại điện tử

Trong giải quyết tranh chấp giữa NTD với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch điện tử, pháp luật các nước đề cao vai trò của thương lượng, hòa giải so với phương thức giải quyết tranh chấp thông qua tòa án. Các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khiến cho việc giải quyết được đảm bảo bí mật, không công khai, không có bản án bất lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh còn đối với NTD thì không phải chịu những bất cập của thủ tục tố tụng dân sự như chậm chạp, tốn kém và phức tạp. Đặc biệt là trong giao dịch điện tử, các bên tranh chấp có thể ở những quốc gia khác nhau nên việc khởi kiện vụ án dân sự là rất khó khăn cho NTD. Luật bảo vệ quyền lợi NTD 2010 của Việt Nam cũng đã quy định tranh chấp giữa NTD với tổ chức cá nhân kinh doanh có thể được giải quyết thông qua: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án.[10]

III.  Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật Công nghệ thông tin 2006, các nghị định hướng dẫn mới chỉ quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong giao dịch điện tử mà chưa đi sâu vào điều chỉnh mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với NTD khi giao dịch bằng phương tiện điện tử. Bên cạnh đó, Luật bảo vệ quyền lợi NTD 2010 và nghị định hướng dẫn cũng chỉ quy định về bảo vệ NTD trong các giao dịch nói chung. Trong khi đó, giao dịch điện tử có những điểm đặc thù riêng đòi hỏi cần phải có những quy định riêng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD. Do vậy, tác giả kiến nghị Bộ Công Thương ban hành thông tư hướng dẫn, trong đó quy định cụ thể hơn về các vấn đề liên quan tới hợp đồng giao kết giữa NTD với tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua phương tiện điện tử như vấn đề trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD, quyền và nghĩa vụ của NTD trong giao dịch điện tử, …

Hai là, kiến nghị nên có quy định cụ thể hóa các quyền của chủ thể dữ liệu đối với thông tin của mình như: quyền yêu cầu các thông tin của tổ chức, cá nhân xử lý thông tin; quyền truy cập dữ liệu; quyền cải chính thông tin; quyền xoá bỏ thông tin; quyền từ chối việc xử lý thông tin, … và phương thức thực hiện các quyền này. Việc quy định cụ thể sẽ giúp cho NTD cũng như tổ chức, cá nhân thu thập thông tin dễ dàng hiểu và áp dụng các quy định này, tránh gây thiệt hại không đáng có đến NTD.

Ba là, kiến nghị nên thiết kế quy định về quyền sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng do lỗi kỹ thuật của NTD theo hướng cho phép NTD khi phát hiện mình nhập sai thông tin phải ngay lập tức thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh để kịp thời sửa đổi những thông tin này hoặc hủy bỏ hợp đồng, trả lại hàng hóa nếu NTD chưa sử dụng . Quyền sửa đổi và hủy bỏ hợp đồng do lỗi kỹ thuật sẽ giúp NTD yên tâm hơn khi thực hiện các giao dịch bằng phương tiện điện tử, tránh những thiệt hại không mong muốn xảy ra với NTD.

Bốn là, kiến nghị nên bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới của các sàn thương mại điện tử, các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán, dịch vụ vận chuyển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến cho người tiêu dùng nhằm tránh việc câu kết né tránh trách nhiệm với người tiêu dùng của các chủ thể liên quan.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Luật mẫu về thương mại điện tử của Uỷ ban Liên Hợp Quốc về thương mại quốc tế (UNCITRAL);
  2. Hướng dẫn về Bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh thương mại điện tử (2020), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD);
  3. Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH năm 2017 về hợp nhất Luật Công nghệ thông tin do Văn phòng Quốc hội ban hành ngày 12/12/2017;
  4. Bộ luật Dân sự 2015;
  5. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010;
  6. Luật Giao dịch điện tử 2005;
  7. Luật Công nghệ thông tin 2006;
  8. Luật An toàn thông tin mạng 2015;
  9. Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BCT ngày 19/11/2021 của Bộ Công thương về thương mại điện tử;
  10. Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử;
  11. Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
  12. Báo Điện tử Chính phủ, Tỉ lệ gian lận thương mại trên internet sẽ tăng vọt trong 2-3 năm tới, nguồn:

http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=450928  ngày truy cập 31/5/2023

[1] Luật Mẫu của Uỷ ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) về thương mại điện tử

[2] Khoản 1 Điều 3 Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BCT ngày 19/11/2021 của Bộ Công thương về thương mại điện tử

[3] Báo Điện tử Chính phủ, Tỉ lệ gian lận thương mại trên internet sẽ tăng vọt trong 2-3 năm tới, nguồn: http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=450928 ngày truy cập 31/12/2023.

[4] Khoản 1 Điều 18 Luật An toàn thông tin mạng 2015 quy định: “Chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ hoặc ngừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba”.

[5] Xem Khoản 3 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử: “Chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại (dưới đây gọi tắt là chứng từ điện tử) là hợp đồng, đề nghị, thông báo, xác nhận hoặc các tài liệu khác ở dạng thông điệp dữ liệu do các bên đưa ra liên quan tới việc giao kết hay thực hiện hợp đồng”

[6] Điều 21 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử

[7]  Điều 12, 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[8] Điều 8,9 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

[9] Điều 17 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

[10] Xem: Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong Thương mại điện tử ở VN”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

X