Giám đốc Công ty Chứng khoán muốn ủy quyền điều hành, quản trị toàn bộ?

Trên thực tế, chúng ta bắt gặp không ít trường hợp Giám đốc/Tổng Giám đốc của doanh nghiệp sẽ ủy quyền toàn bộ cho một người khác (thông thường là Phó Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc) thay mặt mình thực hiện toàn quyền điều hành, quản trị công ty. Thậm chí, tôi đã từng thấy ở Trường Đại học tư người ta cũng làm như thế, Hiệu trưởng ủy quyền cho Phó Hiệu trưởng toàn quyền quản lý, điều hành. Có rất nhiều lý do cho việc làm như thế. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ giải quyết câu chuyện Giám đốc Công ty Chứng khoán muốn ủy quyền điều hành, quản trị toàn bộ tại doanh nghiệp cho Phó Giám đốc

Về mặt pháp lý, Luật Chứng khoán hiện hành quy định Giám đốc công ty chứng khoán cần có chứng chỉ hành nghề. Đây là điều kiện kinh doanh bắt buộc. Do vậy, trường hợp vì lý do nào đó, Giám đốc cần hoặc muốn ủy quyền toàn bộ cho Phó Giám đốc, nhưng Phó Giám đốc lại không đáp ứng điều kiện về Chứng chỉ hành nghề, chúng ta có thể lập văn bản ủy quyền như thông thường hay không? Bạn nào làm pháp chế doanh nghiệp hoặc luật sư tư vấn hẳn cũng sẽ dễ gặp case này nhé!

Một số ý kiến cho rằng: bên nhận ủy quyền chỉ là thực hiện công việc trong phạm vi ủy quyền thay cho bên ủy quyền, trách nhiệm đối với các bên liên quan trong trường hợp có phát sinh vẫn thuộc về bên ủy quyền. Do đó lập văn bản ủy quyền như thông lệ là giải pháp không có gì để bàn cãi. Nói cách khác, người được ủy quyền trong trường hợp này chỉ cần có năng lực để có thể nhận ủy quyền, không cần thiết phải đáp ứng điều kiện về chứng chỉ hành nghề vì trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về người ủy quyền. Thậm chí, quan điểm này còn được củng cố bằng lập luận rằng, việc ủy quyền như thế này rất bình thường và phổ biến, chưa thấy vướng mắc gì về cơ quan quản lý cũng như trong tố tụng trong thực tiễn.

Đồng tình với quan điểm này, một số anh chị còn giải thích: đối với doanh nghiệp, khi pháp luật quy định chứng chỉ hành nghề là điều kiện bắt buộc phải đáp ứng, mục đích là để phục vụ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù của doanh nghiệp đó. Để vận hành doanh nghiệp còn cần nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, chứ không phải chỉ kiến thức có được từ việc sở hữu chứng chỉ hành nghề được quy định. Do vậy, ủy quyền trong trường hợp này đương nhiên được phép, vì nó cần thiết để chia sẽ trách nhiệm giữa những người quản lý doanh nghiệp, cũng như tăng hiệu quả hoạt động trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Khác quan điểm nêu trên, một bộ phận cho rằng: một điều quan trọng trong ủy quyền là người nhận ủy quyền phải có năng lực làm việc đó, và trường hợp pháp luật có quy định cần có chứng chỉ hành nghề thì lại càng không thể ủy quyền cho người không đáp ứng điều kiện này. Họ giải thích, vì những trường hợp ủy quyền chúng ta thường thấy là những giao dịch dân sự bình thường, nên người được ủy quyền chỉ cần đáp ứng điều kiện đủ năng lực hành vi dân sự, còn liên quan tới chứng chỉ hành nghề thì phải đáp ứng điều kiện kép, tức là vừa phải đủ năng lực hành vi dân sự vừa phải có chứng chỉ hành nghề.

Thậm chí, còn có luồng quan điểm thứ 3: người ta cho rằng có thể ủy quyền 1 phần, còn ủy quyền toàn bộ thì người nhận ủy quyền mới cần có chứng chỉ hành nghề.

Thực ra, trên thực tế, các Giám đốc đi nước ngoài từ 15 ngày đến 1 tháng nếu không ủy quyền toàn bộ thì điều hành thế nào được. Thực trạng này cũng đâu thể ngoại lệ với Công ty Chứng khoán! Trong khi đó, thực tiễn tại một số Ngân hàng, nhiều trường hợp Phó Giám đốc/ Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành chưa được Ngân hàng nhà nước bổ nhiệm chức danh Giám đốc/ Tổng Giám đốc, lý do đa phần đều là chưa đủ thời gian làm trong đơn vị, chứ không phải là chưa đáp ứng đầy đủ về bằng cấp. 

Đấy là nội dung người ta nói, người ta bàn.

Tuy nhiên, đừng quên rằng: hành nghề luật, đặc biệt là, nếu bạn đang tư vấn, hoặc tranh tụng với vai trò 1 chuyên viên pháp chế hay một luật sư thì không thể chỉ giải thích, lập luận và trích dẫn thực tiễn như thế này. Chúng ta cần tìm cơ sở pháp lý và tư duy, lập luận, trình bày có logic, có cơ sở pháp lý nhé. 

Hãy xem cơ sở pháp lý được trích dẫn sau đây và tự mình lập luận, giải đáp vấn đề:

Như vậy, dễ dàng thấy 2 điều:

Một là, có quy định nêu rõ điều kiện nghiệp vụ và chứng chỉ mà Phó Giám đốc phải đáp ứng nếu phụ trách nghiệp vụ (nếu không phụ trách nghiệp vụ thì không cần đáp ứng điều kiện này), chứ chưa nói tới trường hợp đảm nhận công việc của Giám đốc (nhận ủy quyền). Điều này chứng tỏ, để được điều hành, quản lý nghiệp vụ trong công ty chứng khoán, chỉ năng lực quản lý thôi là chưa đủ mà bắt buộc phải có năng lực về nghiệp vụ đặc thù;

Hai là, để xác định được Phó Giám đốc có cần có chứng chỉ hành nghề để có thể nhận ủy quyền toàn bộ từ Giám đốc hay không, chúng ta cần đi vào bản chất của giao dịch này. Có thể thấy, ủy quyền là một giao dịch dân sự, do đó để giao dịch này có hiệu lực, người nhận ủy quyền cần đảm bảo năng lực pháp luật và năng lực hành vi phù hợp với nội dung ủy quyền được xác lập. Nghĩa là, Giám đốc cần có chứng chỉ hành nghề để có thẩm quyền đó thì Phó Giám đốc cũng cần có chứng chỉ hành nghề mới có thể nhận ủy quyền. 

Vấn đề này cực kỳ cơ bản, nên có thể sau nhiều năm hành nghề, bạn sẽ quên mất cách để dẫn chiếu được cơ sở pháp lý đơn giản như thế này. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành một người tư vấn luôn đưa ra lời tư vấn đảm bảo tính an toàn pháp lý cao, hoặc là luật sư luôn có những lập luận vững chắc trong tranh luận thì đừng quên đi lần về những điều cơ bản thế này nhé. Đừng quên mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng, luật mẹ và luật con nhé!

Và sau cùng, cả 2 kết luận trên đều có cơ sở pháp lý. Do đó, không khó để khẳng định, để Giám đốc Công ty Chứng khoán ủy quyền điều hành, quản trị toàn bộ cho Phó Giám đốc bằng một văn bản ủy quyền, Phó Giám đốc này cần đáp ứng điều kiện về chứng chỉ hành nghề, … như điều kiện của Giám đốc Công ty Chứng khoán.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

X