Kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

  • 16 Tháng Mười Hai, 2023 - 14:00

Về vấn đề “quyền lực nhà nước” ở Việt Nam, theo chia sẽ của GS. Phan Trung Lý tại buổi hội thảo, “quyền lực nhà nước” được hiểu là quyền phái sinh từ “quyền nhân dân”, nghĩa là xuất phát từ quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước nói chung là một dạng của quyền lực chính trị, hay nói cách khác quyền lực nhà nước là quyền lực chính trị được thực hiện bởi nhà nước. Và, quyền lực nhà nước không có nguồn gốc tự thân, không phải là quyền tự có của Nhà nước mà là được nhân dân giao quyền, ủy quyền dưới hình thức dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ đại diện.

Một số học giả đã cho rằng, quyền lực nhà nước là để phục vụ xã hội nhưng lại nằm trong tay một số con người cụ thể, trong khi đã là con người thì không tránh khỏi những đặc tính như tham, sân, si. Vậy nên, xuất phát từ tình trạng “có quyền lực thì có nguy cơ bị lạm dụng quyền lực”, quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát.

Vậy thì vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam đã thực hiện như thế nào?

Trước tiên, về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước: có thể nói quyền lực nhà nước được phân 3 nhánh chức năng là lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là cách thức tổ chức quyền lực chung ở các quốc gia. Và, những người được giao thực hiện các chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp như đi trên một con thuyền, nếu 1 người (nhóm người) nắm cả 3 nhánh quyền lực này sẽ dẫn đến tình trạng độc tài, chuyên quyền. Xuất phát từ khả năng này, 3 nhánh quyền lực lập pháp – hành pháp – tư pháp cần phải có sự phân quyền và kiểm soát phù hợp.

Hoa Kỳ có thể được xem là quốc gia thực hiện tổ chức quyền lực nhà nước theo thuyết “tam quyền phân lập” 1 cách rõ rệt nhất. Tuy nhiên sự phân quyền cũng vẫn chưa thể tuyệt đối. Cụ thể, hoạt động của các nhánh cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp vẫn có sự chi phối, kiểm soát lẫn nhau. Ví dụ việc sử dụng tiền của cơ quan hành pháp có thể bị ách lại bởi cơ quan lập pháp, hoặc cơ quan hành pháp có thể phủ quyết luật do cơ quan lập pháp ban hành, …

Ở Việt Nam, nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước không đi theo thuyết “Tam quyền phân lập” như Hoa Kỳ. Chúng ta chỉ lựa chọn những tinh hoa trong thuyết này để áp dụng. Nguyên tắc tổ chức quyền lực ở Việt Nam là “quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Các nhánh quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam được tổ chức đảm bảo tính “thống nhất” vì xuất phát từ nguyên tắc quyền lực thuộc về toàn dân, do Đảng lãnh đạo. Bên cạnh đó, cũng có sự phân tách giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng không phải là “phân quyền” mà là “phân công” để tránh có đối tượng giằng xé gây tổn hại đến quyền lợi của toàn dân. Và, để đảm bảo quyền lực nhà nước là nhằm phục vụ toàn bộ xã hội thì quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát.

Theo chiều dài lịch sử, nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” dần được hình thành và có cơ chế đảm bảo thực hiện qua từng giai đoạn.

Thứ hai, về đường lối xây dựng nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN: trong nguyên tắc quản lý nhà nước, chúng ta xác định “quản lý” không phải là “cai trị”. Và cũng cần xem xét tới yếu tố “cái bẫy trung bình” cả về mặt kinh tế và về mặt lý luận để xây dựng đất nước. Trên tinh thần này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người đầu tiên biết đến và áp dụng đường lối “nhà nước pháp quyền” vào Việt Nam.

Tuy nhiên, sự vận dụng chủ trương này ban đầu được đưa dần vào một số văn bản ở hình thức ghi nhận về mặt tinh thần (ví dụ: phải được bảo đảm bằng tổ chức nhà nước, phải tuân theo hiến pháp). Thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” chỉ được chính thức hóa đưa vào văn bản nhà nước vào năm 2001, trong lần sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992 cùng với nguyên tắc “phân công, phối hợp” (chưa ghi nhận nguyên tắc “kiểm soát”). Đến năm 2013, khái niệm về “quyền lực nhà nước”, “kiểm soát” được chính thức bổ sung, cũng như quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được Hiến pháp ghi nhận, xác định rõ đích danh giao cho Quốc hội, Chính phủ, và Tòa án (Hiến pháp 2013).

Thứ ba, về kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam: về mặt lý luận, chúng ta cần phân biệt kiểm soát quyền lực và kiểm soát việc thực hiện quyền lực. Tuy nhiên, đối với cả 2 vấn đề này thì cũng cần phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi như: kiểm soát ai, ai kiểm soát, kiểm soát bằng cách nào.

Về kiểm soát quyền lập pháp, một số vấn đề được đặt ra như: có đảm bảo được “tính nhân dân” trong lập pháp không, nhân dân giao quyền đó cho Quốc hội rồi thì có bị mất quyền lập pháp, lập hiến không, có kiểm soát được quyền lập pháp hay không, có thực hiện lập pháp vì quyền lợi của nhân dân không hay chỉ vì quyền lợi của 1 nhóm người, việc lấy ý kiến của nhân dân là chỉ hình thức hay thực chất, ….. Theo chia sẽ của GS. Phan Trung Lý tại buổi hội thảo, tại 1 số quốc gia thì sau khi lấy ý kiến của nhân dân, ý dân thế nào thì sẽ thực hiện thế đó chứ không phải nhận thấy ý dân chưa phù hợp thì nhà nước sẽ thuyết phục, động viên, hướng dẫn, … rồi để ý của dân ở đó mà thực hiện theo phương thức khác đối với vấn đề đang cần được giải quyết. Và cũng theo GS. Lý, đã đến lúc phải giao quyền lập pháp lại cho nhân dân.

Về kiểm soát quyền hành pháp, đây là vấn đề phức tạp và cần chú trọng. Việc vận hành bộ máy nhà nước, các chủ trương, chính sách để xây dựng, phát triển đất nước, cũng như triển khai thi hành pháp luật, … đều phụ thuộc vào Chính phủ. Có thể nói, đầu vào và đầu ra đều phụ thuộc vào Chính phủ. Vậy nên, mọi chuyện nếu không khéo là đều ở cơ quan hành pháp cả.

Về kiểm soát quyền tư pháp, đây là vấn đề khó nhất. Vì để kiểm soát là phải có phân tích, đánh giá, nhận xét, mà một trong những nguyên tắc quan trọng trong tố tụng là độc lập, khách quan và nghiêm cấm việc bị tác động.

Trên tinh thần chia sẽ này, TS. Phạm Quý Tỵ đã đưa ra một số vấn đề để trao đổi, làm rõ thêm. Ví dụ như, hiện nay vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan “lập pháp và hành pháp, lập pháp và tư pháp”, “hành pháp và lập pháp, hành pháp và tư pháp”, “tư pháp và lập pháp, tư pháp và hành pháp” được thực hiện bằng cách nào, và như thế đã hiệu quả chưa (đã được Hiến pháp quy định)? Làm rõ thêm về nguyên tắc độc lập của Tòa án, nguyên tắc ủy quyền lập pháp, nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đồng thời những nguyên tắc này đã thực hiện được chưa, hiệu quả thế nào?

TS. Phạm Quý Tỵ cũng chia sẽ thêm, trên thực tiễn có 1 số quan điểm cho rằng: hiện nay khoảng 95% văn bản quy phạm pháp luật là do Chính phủ trình. Nếu những văn bản do Chính phủ trình mà bị Quốc hội sửa nhiều quá thì Chính phủ rút về, không trình nữa, đề nghị dừng xem xét hoặc thông qua dự án luật, pháp lệnh thì cũng là hình thức “hành pháp kiểm soát lập pháp”. Tuy nhiên quan điểm này cũng gặp phải sự phản đối từ 1 số ý kiến trái chiều. Hoặc là, “hành pháp kiểm soát lập pháp” thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, “lập pháp kiểm soát hành pháp” thông qua việc các Bộ trưởng phải trả lời chất vấn của Quốc hội.

Và, trong Hiến pháp 1946 có chế định “Chủ tịch nước” có thể giúp “hành pháp kiểm soát được lập pháp” và “hành pháp kiểm soát được tư pháp”. Cụ thể, Chủ tịch nước thực hiện đối nội, đối ngoại và là người đứng đầu Chính phủ, và Chủ tịch nước có quyền không công bố, trả lại các văn bản pháp luật do Quốc hội thông qua. Và, Chủ tịch nước được bổ nhiệm Thẩm phán. Tuy nhiên, tới Hiến pháp 1959 thì chế định này đã được thay đổi, nên hiện nay vấn đề “hành pháp kiểm soát lập pháp” còn bị hạn chế.

Tiếp theo sự gợi mở của TS. Phạm Quý Tỵ, PGS. TS Nguyễn Tất Viễn đã có một số gợi ý về các biện pháp để kiểm soát quyền lực hiện nay trên thực tế. Cụ thể:

“Tư pháp kiểm soát hành pháp” được thực hiện một phần nhỏ thông qua việc Tòa án mở các phiên xét xử hành chính. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ luật Tố tụng dân sư 2015 có quy định Tòa án có quyền phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật, nếu có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Đối với nghị định, thông tư, Tòa án có quyền không áp dụng mà áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết nếu quá 01 tháng mà không được trả lời.

Còn đối với văn bản của cơ quan lập pháp thì Tòa án chỉ có thẩm quyền kiến nghị mà không có thẩm quyền không áp dụng, nên Tòa án có quyền tạm đình chỉ vụ án để chờ quyết định của Quốc hội, UBTV Quốc hội. Trong trường hợp Quốc hội, UBTV Quốc hội không sửa đổi luật, pháp lệnh thì vụ án sẽ không giải quyết được. Đây cũng là cơ chế “tư pháp kiểm soát lập pháp”.

Ngoài ra, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn cũng chia sẽ thêm, trước đây Chính phủ có thể kiểm soát Tòa án thông qua cơ chế hành chính và tài chính. Tuy nhiên, hiện nay quy định này không có hiệu lực nữa nên lại thành  ra Tòa án tự kiểm soát mình.

Tại buổi hội thảo, SV Trần Quốc Sỹ Nguyên có trao đổi là theo tìm hiểu thì được biết Tòa án Hoa Kỳ có chức năng xét xử để bảo vệ Hiến pháp và đặt câu hỏi ở Việt Nam đã có cơ quan nào thực hiện chức năng bảo hiến này chưa. TS. Phạm Quý Tỵ đã thông tin cho câu hỏi này là ở Việt Nam chưa có cơ quan nào được giao thực hiện chức năng này.

Kết thúc buổi chia sẽ, cả 3 vị chuyên gia đều đồng tình rằng, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện.

EVENT INFO :

  • Start Date:16 Tháng Mười Hai, 2023
  • Start Time:14:00
  • End Date:16 Tháng Mười Hai, 2023
  • End Time:16:30
  • Number of Participants:40
X